Tuesday, January 7, 2014

Kinh nghiệm chăm sóc tiêu theo phương pháp tổng hợp

Ông Nguyễn Minh Vịnh ở Đồng Nai, trông tiêu lâu năm, đạt 10 tấn/ha, có chia sẻ kinh nghiệm về trồng và chăm sóc tiêu theo phương pháp tổng hợp xin mời bà con nông dân trồng tiêu và các bạn quan tâm về cây tiêu tham khảo:

Tôi đã cho một vài bà con xem mô hình chăm sóc vườn tiêu của nhà tôi trên trụ sống là cây lồng mứt chiều cao trung bình từ 7- 8m. Rất năng suất mà ít bệnh tật và bà con hỏi phòng trừ sâu bệnh hồ tiêu như thế nào mà không có bệnh tật. Tôi nói là chăm sóc theo phương pháp tổng hợp. Tiện thể có bà con hỏi về thế nào là phương pháp chăm sóc hồ tiêu tổng hợp, tôi xin chia sẻ như sau: Ngừa bệnh và phòng trừ sâu bệnh từ khi có ý định trồng tiêu chứ không phải đến khi tiêu bệnh mới chữa.

1. Đối với tiêu trồng mới:

Việc chăm sóc phòng trừ là quá đơn giản, vì hồ tiêu nhỏ rất ít bệnh tật. Từ năm thứ 4 trở đi mới bắt đầu bệnh, thường thì lá hơi vàng vàng hoặc là mọc bỏ mắt không đều trụ. Nguyên nhân chính là do bà con ta xử lý đất quá sơ sài và thường không có bón lót hoặc là bón lót nhưng chưa xử lý phân chuồng kỹ. Làm hồ tiêu bị tuyến trùng chậm phát triển thậm chí là chết. Khi trồng bà con lưu ý những điều như sau:

-  Đào hố sâu bón lót phía dưới, hoặc có thể trồng chay bón phân gà hoai xử lý sau đó đôn mới bón lót kỹ càng.

-  Tạo hệ thống mương thoát nước, ngoài mương thoát nước cục bộ tức là trồng cây tiêu sao cho không có hiện tương ngập úng thì còn làm hệ thống thoát nước. Trung bình cứ 4-5 hàng tiêu bạn làm một cái rãnh sâu chừng 60cm. Mục đích là ngăn ngừa, xử lý từng vùng tiêu. Khi vùng này có bị bệnh thì cũng không lây lan sang vùng khác. Việc trồng mới thì thực hiện điều này khá đơn giản. Khi tiêu trưởng thành, chăm sóc và xử lý thuốc sâu bệnh mới phức tạp, khó khăn hơn.

2. Xử lý sâu bệnh theo phương pháp tổng hợp:Tôi chỉ nói gọn cho bà con dễ hiểu. Đa phần bà con trồng tiêu đã hiểu ít nhiều về loại cây dễ mà khó này. Bản chất của cây tiêu là cây dây leo vì thế nó chỉ cần ánh sáng khuếch tán cũng đủ, cho nên trồng trên cây trụ sống thì sẽ hiệu quả bền vững hơn trụ chết.

-  Xử lý đất: Bà con hạn chế xới đất phạm rễ tiêu vì loại cây này rễ rất dể bị tổn thương. Không nên lạm dụng quá nhiều phân hóa học làm chai và mất màu đất. Việc bón phân lạm dụng phân bón hóa học lâu ngày sẽ làm đất bị chua hơn nữa là chai đất, lớp đất chai đó lâu ngày sẽ làm cho phân và nước không xuống sâu được làm cho cây hồ tiêu lâu ngày không có đủ chất dinh dưỡng vàng lá mà bà con ta vẫn hay lầm tưởng là tuyến trùng hại rễ. Bà con nên phân biệt kỹ đâu là tuyến trùng đâu là thiếu dinh dưỡng nhé. Việc xử lý vùng đất này bạn nên dùng phân hữu cơ khoáng đậm đặc bón cho hồ tiêu kết hợp với phan chuồng ủ hoai. Phân bò hoặc phân gà công nghiệp là tốt nhất vì nó có lượng chất xơ cao làm đất tơi xốp tạo độ phì cho đất. Hằng năm tôi vẫn thường bón thêm cho tiêu nhà mình 2 thúng phân gà hoai. Thay thế phân hóa học bằng phân hữu cơ vi sinh hoặc chế phẩm amino sinh học. Chỉ sử dụng phân hóa học vào thời điểm thích hợp. Như làm to hạt chắc trái chẳng hạn. Cây có phát triển tốt thì mới ít bệnh tật. Tránh ngập úng vì cây tiêu ưa ẩm mà sợ úng.

-Xử lý thân lá: Sau khi thu hoạch bạn làm sạch chồi lươn, rửa lá địa y thán thư, làm chồi tán cây, làm cỏ gốc. Mục đích chính là tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, chuẩn bị cho mùa sau. Việc làm chổi cỏ như vậy tức là mình đã tiêu diệt mầm bệnh. Nguyên nhân chính của chết nhanh chết chậm là do nấm. Độ ẩm không khí và độ ẩm của mặt đất quá cao thì sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển. Đặc biệt là phát triển mạnh vào tháng 4 và tháng 5. Cây của bạn nhiễm nấm bệnh từ lúc này 3-4 tháng sau mới phát ra thì lúc đó bạn chữa bằng thuốc này thuốc nọ cũng đã là quá muộn rồi. Xử lý tốt trước khi mùa mưa đến đã mang lại hiệu quả phòng trừ sâu bệnh lên tới 70% rồi. Bạn nên cào sạch lá và cỏ dưới gốc cho dất thật thoáng. Thường thì người ta làm chồi gốc là cách mặt đất 40-50cm. Khi mưa rớt xuống đất không văng lên làm dập tay, nước mưa cùng vi khuẩn dễ xâm nhập vào. Để dây lươn bò tứ tung khi phát cỏ hay xịt thuốc làm tổn thương, nấm và vi khuẩn cũng xâm nhập đường đó làm chết dây sau đó tới cây và lây lan cả bụi. Khi dây lươn bò sang chỗ khác phát triển mạnh thành cây con thì bộ rễ cây mẹ quá ít nuôi không nổi 2 cây thì thường thì chết dây mẹ. Còn chết dây con thì cũng lây từ từ sang dây mẹ. Nên việc làm chồi lươn là rất cần thiết. Làm sạch gốc cỏ gốc thoáng mát nấm và sâu bệnh không có điều kiện phát triển.

-Xử lý thuốc: Việc xử lý thuốc rất quan trọng. Giống như là chữa bệnh phải đúng thuốc. Chữa sai còn nguy hiểm hơn. Bạn phải hiểu rõ một số bệnh của hồ tiêu. Biểu hiện lá tiêu như thế nào là phải biết bệnh gì. Các bác trồng tiêu vài năm rồi là bệnh gì cụng biết. Nhưng theo tôi phương pháp tổng hợp chủ yếu là ngừa bệnh. Vào đầu giữa và cuối mùa mưa bà con nên xử lý tuyến trùng. 1 đợt xử lý tuyến trùng làm 2 lần cách nhau 7 ngày. Giống như việc xử lý thuốc rầy vậy, diệt con trưởng thành 7 ngày sau diệt trứng mới nở như vậy mới an toàn. Thường thì cây thiếu vi lượng, ngoài bón phân hữu cơ khoáng đậm đặc cho tiêu có thể kết hợp phân bón lá. Bà con nên rửa cây sau khi thu hoạch bằng loại thuốc gốc đồng kết hợp với vôi. Đồng có tác dụng tiêu diệt nấm còn vôi thì bổ sung can xi cho cây chắc khỏe. Bà con ta bón phân thường bị thiếu thành phần này. Lâu ngày tiêu tháo khớp mà bà con không biết nguyên nhân tại sao. Biểu hiện của bệnh này y hệt như thán thư nên bà con ta hay lầm tưởng. Thậm chí kỹ sư còn lầm. Cho nên trường hợp cây tháo khớp vàng lá ngoài xử lý tuyến trùng bà con nên bỏ thêm phân bón hữu cơ khoáng đậm đặc. Có thể thay thế bằng loại phân nước hồi phục rễ cho cây dễ hấp thu.

Trường hợp bệnh chết nhanh chết chậm. Bệnh này do nấm cho nên việc xử lý gốc thông thoáng đã ngăn ngừa 70% rồi. Rửa cây lá già sâu bệnh, thán thư địa y, nấm hồng… đã chết ít nhiều. Nên nguyên nhân chính vào mùa mưa chính là ngập úng. Đất không có hệ thống thoát nước. Thực tế bệnh chết nhanh chết chậm không chết nhanh như bạn nghĩ. Vì biểu hiện của nó rất rõ ràng. Do bạn không để ý đó thôi. Vì những cây đang xanh um tươi tốt mà chết cái đùng nên người ta gọi là chết nhanh. Nếu bạn trồng hồ tiêu lâu năm thì phân biệt dễ thôi. Biểu hiện đầu tiên là cây xanh mà lươn bị cùi đọt. Thế là rễ bị tổn thương rồi. Nên dùng thuốc gốc đồng tiêu diệt nấm. Sau đó dùng DH phục hồi rễ. Cây mà phát đọt lá non lại còn có hy vọng chứ không phát thì vô phương. Vào mùa mưa bạn thường xuyên kiểm tra vườn. Còn trường hợp chết dây, bạn nên dùng kéo cắt bỏ đi. Nhớ xử lý kỹ dụng cụ cắt để tránh lây lan. Sau đó rắc vôi bột để cách ly cây bệnh. Cách này hồi xưa tôi chưa biết cách phòng ngừa tổng hợp tiêu hay chết dây tôi vẫn làm để khỏi lây lan cây khác. Trường hợp thấy khó chữa quá, chữa đi chữa lại vẫn tái phát tốt nhất là gỡ bỏ đem đi đốt. Sau khi xử lý vùng đất đó thật kỹ, kiếm cây nào 2-3 năm tuổi chiết 1 khúc 2-3 mét đưa xuống thế là 1 năm sau có bói lại cho khỏe.

Lời cuối: Ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Tôi toàn ngừa bệnh nên hồ tiêu tôi rất ít bệnh. Tôi cứ thắc mắc tại sao ai cũng sợ chết nhanh chết chậm. Mình đã biết nguyên nhân gây bệnh để mình ngừa mất rồi, thì làm gì có bệnh để mà chữa.
Đó là vài kinh nghiệm làm tiêu lâu năm của tôi.
Chúc bà con sức khỏe!
 Nguyễn Minh Vịnh
Hỏi -    Chào bác Minh Vịnh, các bài viết của bác về chăm sóc cây tiêu quả thật rất hay và bổ ích. Em xin hỏi bác thêm vài điều thế này:
1.   Tiêu trồng bằng dây lươn trên trụ sống thì mình tiến hành đôn dây và tạo hình như thế nào cho đúng ? Nếu sau khi đôn và tiêu đã leo phủ trụ rồi mà nó không chịu ra nhiều cành ác thì mình xử lý làm sao ?

2.  Đối với đất trồng mới mình có cần thiết phải cày xới sâu không ? Dùng máy cày chảo là đủ chưa hay là dùng máy múc xới cho sâu ?

Hỏi -    Chào anh. Em thấy bài viết của anh rất hay. Nhưng khi cây tiêu đã bi bệnh chết nhanh chết chậm rồi nên dùng thuốc gì để xử lý cho thật hiệu quả vậy? Tiêu chỗ em trồng năng suất 7 đến 8 tấn/ha, nhưng 2 năm gần đây bị bệnh chết nhanh nhiều lắm.
Hỏi -   xin Bác hướng dẫn cho tôi loại thuốc BVTV nào trị được nấm mạng nhện trên cây tiêu. Vườn tiêu của tôi có 1 số trụ xuất hiện 1 loại nấm mà tôi hỏi thăm người ta nói là nấm mạng nhện. Loại nấm này có sợi trắng như mạng nhện bò theo các cành và thân tiêu sau đó bò lan qua các lá làm các lá đó khô dần nhưng không rụng, tôi đã thử xịt 1 số loại thuốc trị nấm bệnh thông thường nhưng không có tác dụng. Mong được hướng dẫn gấp.
Trả lời các câu hỏi trên -    Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau:
1. Trồng tiêu lươn thì nó lâu ra tay ác nhưng hiệu quả về lâu dài thì tốt hơn. Trước tiên bạn phải đợi tiêu ra tay ác thường thì ra từ 5 tay trở lên bạn mới đôn tiêu. Vì nếu đôn sớm quá dây tiêu yếu nó sẽ bỏ mắt có khi 4 đến 5 mắt mới ra 1 tay ác như vậy cây tiêu sẽ không năng suất. Nguyên nhân chính của việc bỏ mắt chính là thiếu phân. Tiêu nhà bạn phủ trụ rồi mà vẫn không ra cành ác tức là bạn chưa biết cách đôn và xử lý đều tay ác. Trường hợp tiêu ra ác đôn xuống rồi mà nó bỏ một khúc mới ra ác lại thì bạn nên cắt bỏ cái khúc bỏ mắt đi. Cắt ngay chỗ tay ác vì mắt đó sẽ ra đọt ác. Cắt ngay mắt lươn là nó ra đọt lươn hoài luôn. Tiêu phủ nọc rồi mà chưa ra ác. Có 2 trường hợp và cách xử lý: Thứ nhất bạn xem dây tiêu có còn màu xanh ra rễ được không? Nếu ra rễ được thì chịu khó tháo ra đôn lại và cắt bỏ cái khúc lươn bõ mắt đó. Trường hợp này đối với cây tiêu tơ còn làm được. Đối với cây tiêu già hết khả năng ra rễ thì bạn làm như sau: Trồng một dây tiêu ác cách gốc tiêu đó chừng 0.5 mét. Sau đó cho nó leo lên trụ giả là cây cà phê hoặc cây gì đó. Khi ra tay ác bạn đôn cho nó bò lên gốc cây mà không ra ác (cây chính). Vậy là không phải bỏ cây tiêu không ra ác để ăn mà tiêu dần dần cũng phủ nọc.
2. Đối với trồng mới việc cày xới và phơi ải đất là rất cần thiết. Hồ tiêu rất cần tầng canh tác dày. Chỗ nào mà rễ không đi sâu được trồng vài năm thì cây tiêu nghẹt rễ vàng vàng rồi dần dần cũng chết thôi. Chỗ gần nhà tôi cũng có người năm ngoái tậu được miếng đất vài tỉ sát nhà. Tôi thấy họ dùng máy múc múc hết gốc cây cà phê cũ sau đó san lại cho bằng và làm mương thoát thủy rất tốt. Sau đó khoan lổ sâu chừng 40-50cm. Bây giờ mới xử lý thì hơi chậm. Vì đã bắt đầu mùa mưa rồi. trồng trên cây lồng mứt chiều cao trung bình từ 7-8 mét
 -    Do tôi chăm sóc bằng phương pháp tổng hợp nên đã từ rất lâu tôi thấy vườn tiêu nhà mình ít bệnh hơn hẳn. Trường hợp vườn tiêu đã nhiễm bệnh thì tôi thực hiện như sau: Trước tiên tôi quan sát xem cây đó có thể chữa được không? Nếu cây mới bắt đầu biểu hiện sơ sơ thì tôi còn chữa. Còn nếu nặng thì tôi thường mang bồ cào ra cào đi đốt. Bác xem hồ tiêu nhà mình xem cái giống đó là giống nào? nếu là giống đa số trong vườn nhà mình thì lo mà xử lý gấp. còn nó là cái giống mà thương xuyên chết thì đỡ lo lắng 1 chút. Trước đây khi mới bắt đầu trồng tiêu mà tôi chưa có khinh nghiệm cũng hay bị lắm. Dần dần tôi phát hiện ra hồ tiêu nhà mình có rất nhiều giống và có giống kháng bệnh rất tốt có giống rất sai trái nhưng lại hay chết. Có giống không bao giờ bị bệnh mà ít trái. Sau đó đo không chăm sóc, với chẳng có kỹ thuật gì nên tiêu hột mọc tùm lum. Rồi nó lại ra trái. thấy trái nhiều cắt đem trồng vô tình tìm ra được giống tốt. Nên trước tiên bạn phải xem lại giống tiêu nhà mình. Hiện nay giống tiêu kháng bệnh tốt nhất của Việt Nam là giống Vĩnh Linh sẻ, hay còn có tên gọi khác là Vĩnh Linh lá nhỏ hay là Sẻ Lá Lớn. Giống này rất ít bệnh thường thì bà con ta không chăm thì nó 1 năm trúng 1 năm thất. Bác cào đi đốt sau đó trồng lại giống tốt.

Còn bác có ý định chữa thì tôi thường làm như sau: Đào hố thoát thủy cho cây đó, thường thì do độ ẩm cao và cây không rút được nước thì cây chết nhanh. Dùng vôi bột cách ly cây này do tôi sợ chữa không được để lâu lại lây qua cây khác. Làm sạch cỏ gốc làm cho thông thoáng. Dùng đồng đỏ xịt cho nó rụng bớt lá, rụng thê thảm lắm. Sau đó dùng Coc85 gói đổ gốc liên tục vài tuần liền. Tác động này khá mạnh. Một là sống 2 là chết luôn. Nếu thấy cây hồi phục thì xịt Aliete định kỳ 2 tuần xịt một lần. Sau đó dùng DH phục hồi rễ cho nó. Khi thấy cây tỉnh sống lại thì tôi xịt phân bón lá có ngăn ngừa chết nhanh chết chậm, cho nó loại phân tôi thường dùng là có hàm lượng Kali cao và bổ sung vi lượng Ca, Mg, Bo, Zn, Cu… Sau đó tôi bỏ thêm 1 ít phân hữu cơ khoáng đậm đặc hướng dương xanh. Lúc này tôi thấy nấm có lợi tấn công nấm Phytophthora capsici trắng xóa gốc. Thế là yên tâm lâu dài. Còn trường hợp chết dây ngoài xử lý như trên tôi còn dùng dao khoét hết phần thúi sau đó rắc Aliete bột lên luôn. Có bụi tiêu chết dây tôi cắt bỏ mà chưa kịp đào gốc đem đốt, chỉ mới rắc vôi tránh lây lan, không ngờ nó ra dây lại sống tới giờ chẳng bao giờ bệnh tật lại. Cây có đề kháng. Nên với những cây tôi nghi chết nhanh tôi vẫn thường xịt phân bón lá SADA T vì cái loại phân bón lá này chống rụng bông lại bổ sung Ca nên cây ít bệnh.
Bệnh nấm mạng nhện: Do nấm Cortium coleroga
Triệu chứng: Trên hom bị bệnh các sợi nấm quyện lấy hom, lá vàng khô. Khi lá chết chúng dính lại với nhau bởi các sợi nấm. Biện pháp phòng trừ: Dùng các loại thuốc trừ nấm như: Aliete 80WP, Topsin-M 70WP, Coc85, đồng đỏ…
Hỏi -     Vùng cháu năm nay tiêu bị sùng trắng cắn phá rất nhiều. Đã dùng nhiều loại thuốc mà không trị được. Bác ai có kinh nghiệm xin chỉ giúp.
Trả lời-    Bạn dùng thử basudin hay furadan chưa ?
Hỏi -    Chào anh Vịnh. Tôi đã thử dùng furadan và nokaph nhưng chỉ được một thời gian sau đó vẫn bị cắn phá. Năm nay tôi thử sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh nấm trắng châu thổ không biết có hiệu quả không. Đang là mùa mưa nên sùng ít phá chứ vào mùa khô chúng phá dữ lắm. Theo anh nếu mình chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng ngừa bệnh trên hồ tiêu mà không sử dụng thuốc hoá học có hiệu quả không. Tôi ở Chư Prông Gia Lai. Cảm ơn anh nhiều.
Trả lời -   Như bạn nói trừ hết một thời gian sau đó có lại là do bạn xử lý chưa triệt để. Thường thì tôi xử lý tuyến trùng vào đầu, giữa, cuối mùa mưa một đợt tôi xử lý 2 lần cách nhau 7 ngày như vậy là mối tuyến trùng sâu hại rễ không phát triển được. Bạn phải dùng vòi xịt, một gốc đục 8 lổ càng sâu càng tốt. Thường thì 20-30cm là được rồi. Có thể rắc thêm furadan hoặc basudin hạt thêm cho những cây bị nặng. Ngoài ra còn xử lý 1 lần tuyến trùng mùa khô nữa. Thường thì do đất mới khai phá rừng mới có nhiều loại này với mối. Cách đây hơn chục năm vườn nhà tôi có rất nhiều nấm mối để ăn. Giờ này kiếm một cây cũng không có, mua ngoài chợ thì gần 200k 1 kg. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu cũng như con dao 2 lưỡi vậy. Nó có thể tiêu diệt sinh vật có hại ngay tức khắc nhưng đồng thời nó tiêu diệt luôn sinh vật có lợi. Nên chỉ sử dụng khi cần thiết. Tôi vẫn thường dùng chế phẩm sinh học ngừa bệnh trên hồ tiêu nhưng có kết hợp với thuốc hóa học theo từng thời điểm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì tiêu rất ít bệnh tật chỉ có gần 10 loại bệnh thôi, nhưng loại nào cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho hồ tiêu. Vì vậy bạn dùng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp cho hồ tiêu là vườn nhà bạn sẽ rất ít bệnh tật.
    Bà con lưu ý. Vào giai đoạn này bà con nên bổ sung phân chuồng có trộn bổ sung nấm đối kháng diệt nấm có hại là tốt nhất, vì giai đoạn này là giai đoạn nấm phát triển rất mạnh. Mạnh nhất trong năm. Tôi thường dùng Trichoderma ủ phân. Giai doạn này bà con nào không xử lý đúng cách và kịp thời thì 2-3 tháng nữa dừng email hỏi tôi cách chữa chết nhanh nhé. Vì khi phát bệnh là vô phương cứu chữa. Giỏi lắm thì chữa cho nó ngáp ngáp rồi tái phát đi tái phát lại mệt lắm.
Chúc bà con sức khỏe

No comments:

Post a Comment