Phần III: Tiêu kinh doanh
Ở giai đoạn này cây tiêu rất dể nhiễm đủ thứ bệnh. Hầu như bệnh nào cũng có. Bệnh nào cũng biểu hiện ra thấy rõ. Để tôi nói hết về nó là cả một đề tài luận văn. Vì thế tôi chỉ chia sẻ những bệnh nguy hiểm nan y. Do nhiều như thế nên tôi chia ra các loại bệnh như sau: Các loại bệnh do nấm, bệnh do côn trùng chích hút cắn lá, bệnh về gốc rễ, dinh dưỡng và phân bón.
Bệnh do nấm
Ai trồng tiêu mà không sợ bệnh chết nhanh, chết chậm. Nói là chết nhanh chứ biểu hiện cũng rõ ràng cho ta nhận biết. Cách nhận biết như sau: Đầu tiên phải kiểm tra vùng đất canh tác của mình. Thấy có dấu hiệu nhơn nhớt và thúi đất sau một đợt mưa dầm. Vùng đất quá rợp, trũng thấp, đây là điều kiện cho nấm thủy sinh phát triển mạnh. Có bao giờ bà con dùng Trichoderma, hay gọt nấm rơm, nấm mối xong rửa tay chưa? Vùng đất nhơn nhớt đó nó cũng tựa tựa thế. Đây là đặc tính của nấm. Nếu không kịp khơi mương rãnh làm hố rút nước, thì vùng đó thế nào cũng bị đi vài bụi.
Bà con cũng có thể kiểm tra rằng vùng đất đó có nấm Phytopthora hay không bằng cách như sau: Lấy một ít đất vùng đó pha hòa với nước. Để lắng cặn, sau đó rót vào 1 ly nhựa sạch. Sau đó cắt 1 chiếc lá tiêu thành hình tròn gần bằng miệng ly. Để lên trên mặt nước. Nếu có nấm này thì lá tiêu sẽ bị nấm tấn công như thán thư. Bà con có thể thử với 1 ly nước sạch và 1 ly nước vùng tiêu bị chết rũ lá. Ngoài ra cánh một số loại hoa như hoa hồng cũng kiểm tra được. Nấm này nó sẽ làm mất màu hoa rất nhanh. Trồng tiêu nên dùng lá tiêu sẽ hay hơn. Khi nào quen thì việc kiểm tra đất của nhà mình là chuyện quá đơn giản. Nhanh chóng tiện lợi mà còn được uống nước mía nữa. Tôi thường uống nước mía sau đó tận dụng ly nhựa kiểm tra Phytopthora trong đất.
Biểu hiện thứ 2 là đọt lươn sẽ không phát, cùi đọt, rụng đốt. Khi thấy dấu hiệu này bà con nên lưu ý. Không phải tự nhiên cây bị thế đâu. Phạm rễ do phân bón, thối rễ ngập úng, sau đó nấm sẽ xâm nhập vào vết thương.
Bà con có bao giờ thấy mạch gỗ dẫn dinh dưỡng của cây hồ tiêu chưa? Tôi thì tò mò hay nghịch tìm hiểu. Tôi nhận thấy nó là những tấm lá mỏng như lá dừa, xếp chồng lên nhau xoay tròn thành hình trụ. Chia thành khoảng 10 búi như tép bưởi. Vì thế nấm xâm nhập vào làm tổn thương 1 phần là cây tiêu chết ngay. Nó không giống với mạch gỗ của cây. Đặc tính nó là dây leo thân thảo. Do đó bà con cần phải cho nấm có lợi phát triển trước, lúc nào cũng có lính canh có lợi lưu dẫn trong gốc rễ, thân cành lá… nó như là vácxin phòng ngừa vậy.
Ngoài ra bà con thấy với bệnh này nhiều khi vùng rễ vẫn khỏe mạnh. Nhưng phần tiếp giáp giữa mặt đất và cây tiêu. Phần cổ rễ tiêu hay bị thúi. Đó là do sự thẩm thấu, nguyên nhân độ ẩm vườn quá cao. Nấm thủy sinh phát triển thường thẩm thấu từ ngoài biểu bì, sau đó lưu dẫn vào trong thân. Gặp đặc tính mạch dẫn của cây tiêu như tôi mô tả bên trên. Cây tiêu ủ bệnh từ 1 tới 2 tháng sau đó sẽ chết mà ta không hề hay biết. Lúc biểu hiện thành bệnh, có chữa đủ thứ thuốc cũng đã quá muộn màng. Để ngăn ngừa loại này bà con cần quét boócdo cho gốc hoặc các loại thuốc gốc đồng như đồng đỏ… Lúc nào cũng có nấm đối kháng bảo vệ. Nước có tràn mang theo nấm hại xâm nhập vào vùng nhạy cảm này cũng đã được bảo vệ.
Với bệnh này nhiều người rất chủ quan. Nước tràn từ cây này sang cây khác sẽ lây lan ngay lập tức. Đất khó rút nước hoặc rút nước chậm gặp nước tràn coi như xong phim. Để phòng ngừa bà con cần tạo mương rãnh thoát nước tốt. Xem dự báo thời tiết. Trước và sau đợt mưa dầm xịt phòng ngừa. Trichoderma kết hợp phân bón lá định kỳ chính là biện pháp nhanh gọn nhẹ và rẻ tiền nhất. Một công đôi ba việc. Nếu xịt Trichoderma một mình sẽ không hiệu quả. Sử dụng biện pháp sinh học luôn đi kèm với nguồn nuôi mới đạt hiệu quả.
Hiện nay đã có giống tiêu ghép thủy sinh gốc trầu Nam Mỹ, hoặc trầu không (trầu ta) hoặc những giống tiêu như tiêu trâu… Cách ghép cũng rất đơn giản. Vùng đất nào quá trũng thấp, không có khả năng rút nước. Nhưng vẫn có ý định trồng tiêu thì nên xem xét trường hợp này. Khi ghép lưu ý nên chọn giống dể làm bông. Loại nào mà chịu úng tốt thì dĩ nhiên nó chịu hạn sẽ kém. Do đó sẽ không hãm nước làm bông được.
Khi ghép thì nên ghép ác. Hoặc áp dụng kỹ thuật bấm đọt tránh trường hợp tiêu ở truồng. Đã là tiêu ghép mà đôn thì ghép làm gì? Ngay vết ghép ở giai đoạn tiêu kinh doanh cần phải bảo vệ quét gốc như trên tôi chia sẻ. Bệnh này là bệnh nan y nếu phát hiện sớm như mô tả bên trên thì không phải là không thể chữa khỏi như mọi người nghĩ. Chỉ có điều bà con ta không biết được khi cây rũ lá tức là nó đã chết. Cách chữa tốt nhất ở giai đoạn này là cho nó làm bạn với lửa.Với thuốc hóa học áp dụng vào lúc dịch bùng phát. Sinh học không thể ngăn chặn được. Khi bà con dùng nó sẽ tiêu diệt tất cả các loại nấm, vi sinh vật. Cần lưu ý bổ sung lại nấm đối kháng và vi sinh vật có lợi phát triển trước.
Ở đây tôi ít đề cập tới thuốc hóa học, không phải là thuốc hóa học không thể chữa khỏi. Mà tôi muốn mọi người thay đổi tư duy canh tác. Lúc nào phòng bệnh cũng hơn chữa bệnh. Canh tác bền vững vẫn hơn là chữa cháy, canh tác theo phong trào.
Bà con có thể tham khảo thêm một vài nhóm hoạt chất, biết cách hấp thụ, tác động của thuốc phòng trừ nấm, để sử dụng một cách hiệu quả: hoạt chất Copper Hydroxide (thuốc gốc đồng), hoạt chất Fosetyl Aluminium, hoạt chất Metalaxyl, hoạt chất Phosphorous acid, hoạt chất Mancozeb… Đấy là một số hoạt chất thường gặp. Trên các bao bì của sản phẩm sẽ có ghi rất cụ thể chi tiết. Bà con vào Wikipedia tìm hiểu thêm. Rất bổ ích đấy.
Bệnh vàng lá chết chậm
Bệnh rụng lóng chết chậm do nấm Fusarium gây ra. Tôi có mô tả ở phần tiêu tơ. Tuy nhiên ở giai đoạn kinh doanh, biểu hiện bệnh sẽ rõ rệt hơn, quan sát ta có thể nhận diện ra ngay, không bị nhầm lẫn với các loại vàng lá do tuyến trùng hay rệp sáp. Cây sẽ rụng đốt, thối gốc, phần thân dây sẽ nám đen, đôi lúc có xì mủ, lá vàng rụng quan sát sẽ thấy có chấm đen li ti như rỉ sắt. Khi cây đã rụng lóng sẽ rất khó phục hồi. Mặc dù cây sẽ không chết ngay lập tức.
Nó thường xuất hiện đồng thời với bệnh rụng lóng tháo khớp do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Trong đó có một vài dòng vi khuẩn Pseudomonas gây hại cũng làm cây rụng lóng tháo khớp. Đọc tới phần này chắc không ít bạn trẻ thắc mắc. Tôi xin giải thích luôn là Pseudomonas có rất nhiều dòng. Chỉ có một số ít được ứng dụng cho nông nghiệp. Quan sát bệnh rụng lóng tháo khớp cũng rất dễ nhận diện. Đó là ngay các mắt tay ác, các khớp tay sẽ bị thâm đen. Còn lóng thì vẫn hơi xanh đôi lúc vàng vàng.
Các bệnh nấm lá dể nhận biết như: Thán thư, địa y, nấm hồng, rỉ sắt, đốm lá, nấm mạng nhện, nấm mắt cua,… Các loại nấm lá nói chung rất dễ nhận biết và cũng không phải nan y. Các loại thuốc đang bán ngoài thị trường phòng và trị rất hữu hiệu. Vì thế tôi sẽ không đề cập ở đây. Chỉ lưu ý với bà con là nên phòng bệnh lúc bệnh chớm xuất hiện. Chứ để nặng nó sẽ lây lan, trị bệnh rất tốn kém. Khi ngừa chỉ cần một lần nhưng khi trị bệnh bà con nên làm 2 lần cách nhau 15 ngày, nếu nặng có thể là 3 hoặc 4 lần cho tới khi khỏi hẳn. Xịt đúng nồng độ. Chỉ cần phun sương ướt đều 2 mặt lá. Muốn hiệu quả trong mùa mưa thì nên kết hợp chất bám dính sinh học. Chứ xịt nước chảy ròng ròng là không đúng qui cách. Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi phun thuốc quá liều. Bà con cần lưu ý.
Khi phòng trừ nấm, bà con hạn chế phối trộn thuốc. Chỉ phối trộn với những gì nhà sản xuất cho phép. Do nó rất dễ phản ứng hóa học. Mặt khác các hoạt chất tôi mô tả bên trên mỗi thứ có 1 công dụng khác nhau. Khi phối trộn cây bị tác động nhiều thứ một lúc sẽ bị sốc thuốc dẫn đến rụng lá.
Một đặc điểm nữa mà bà con không để ý, đó là trong nhiều sản phẩm có hoạt chất giống nhau. Khi phối trộn 2 đến 3 loại cùng một lúc nồng độ dung dịch sẽ tăng lên gấp bội. Như thế rất nguy hiểm. Để hạn chế vấn đề này, bà con có thể luân phiên bằng 2 loại khác nhau. Thời gian cách ly chính là thời gian có thể sử dụng thuốc khác. Có ghi rất rõ trên bao bì của nhà sản xuất.
Bệnh do côn trùng chích hút lá
Đây cũng là một loại bệnh rất đau đầu và gây tranh cãi. Ở đây cái khó không phải là cách phân biệt bệnh, nhận diện bệnh. Quan sát lá phồng rộp, côn trùng chích rụng bông, trứng rầy nhỏ li ti bóp rôm rốp, lá bị chích mất sắc tố, hay co nhúm lại, bọ cánh cứng ăn lá non, rầy nâu, sâu cuộn lá non, trứng rầy bám đọt non, rệp sáp lá, bọ trĩ, rệp muội, nhện đỏ, rầy nâu, bọ xít lưới chích rụng bông… Thấy ai mà không biết là do côn trùng sâu hại phá. Nhìn chung các loại côn trùng này đều trị như nhau. Điều gây tranh cãi ở đây là phương pháp điều trị hay phòng ngừa một cách hiệu quả. Việc đấu tranh gay gắt bảo vệ luận điểm của mình ở đây là dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học hay hóa học.
Bà con cần lưu ý một vài đặc điểm của loại bệnh này, tôi xin chia sẻ như sau: Dịch bệnh bùng phát vào giai đoạn cây nuôi lá non và hình thành hoa. Khi dùng thuốc BVTV dù là sinh học hay hóa học thì phải lưu ý thời tiết. Thời tiết mưa dầm xịt sẽ không hiệu quả. Nắng gắt làm cháy lá. Dùng thuốc quá liều rụng lá…Việc kết hợp thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Tốt nhất là kiểm tra hoạt chất mình sử dụng bằng từ điển cách khoa toàn thư mở online. Vòng đời của những loại sâu hại chích hút hoa và lá non rất ngắn. Chỉ khoảng 21 ngày. Do đó khi sử dụng nên dùng loại hiệu quả lâu dài. Dùng loại làm ung cả trứng, ức chế trứng không nở được càng tốt. Nó rất mau kháng thuốc, do đó nếu sử dụng thuốc BVTV hóa học thì phải dùng luân phiên. Để hiệu quả lâu dài nên ưu tiên dùng biện pháp sinh học. Nếu không có thì ưu tiên 2 là dùng loại hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ta diệt nó một cách khoa học như thế sẽ không ảnh hưởng tới môi trường và ngay chính bản thân ta.
Nhà tôi thì vẫn trồng lạc dại, giữ cỏ, trồng vạn thọ thu hút thiên địch… thêm trong mô hình. Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi dịch bùng phát vào thời điểm nhạy cảm. Bà mẹ tự nhiên rất vĩ đại. Nếu ta lạm dụng thuốc, khi kháng thuốc nó đẻ còn nhiều hơn gấp bội. Tôi đã có chia sẻ trong bài viết người trồng tiêu nghĩ về hành tinh xanh.
Các bệnh về gốc rễ.
Ở sâu trong lòng đất bà con ta không thể biết được dưới đó đang có cái gì. Thứ gì đang diễn ra, tình trạng bộ rễ như thế nào?…
Nhưng ta có thể phán đoán được tình trạng sức khỏe của cây tiêu nhờ vào đặc tính lá. Cây tiêu khỏe mạnh nhìn giàn lá rất mướt mát. Cây hồ tiêu nó không biết nói dối. Cây bị tổn thương rễ vài hôm sau màu lá sẽ khác liền.
Các bệnh về gốc rễ toàn là bệnh làm đau đầu rất nhiều người trong đó có tôi. Bao đêm trăn trở cũng chỉ vì nó. Nào là tuyến trùng, rầy trắng, sùng, mối, nấm, úng nước, thối rễ, phạm rễ phân bón, dư axít, thừa – thiếu dinh dưỡng, dùng thuốc quá liều… Rất nhiều thứ mà mắt thường không thể thấy được. Chỉ cần bị một trong thứ tôi vừa liệt kê trên là cây tiêu có dấu hiệu liền. Bao nhiêu câu hỏi làm sao và bằng cách nào? Như tôi đã nói ở phần trên. Ta càng đơn giản hóa vấn đề phức tạp chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Mọi thứ đều bắt đầu từ cơ bản nhất. Ở đây tôi muốn nói đến đó chính là phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng. Phân sinh học, hữu cơ vi sinh. Đó chính là chìa khóa của mọi vấn đề. Nghe rất đơn giản nhưng áp dụng đúng sẽ cho ta một kết quả ngoài mong đợi.
Ta sử dụng nấm đối kháng và vi sinh vật có lợi như lính canh, (mắt thường không thấy được) chống lại những vị khách có hại không mời mà tới.
Cho các dòng nấm đối kháng nấm bệnh, vi sinh vật có lợi sử dụng lượng xác bã hữu cơ làm thức ăn, nơi ở. Sau đó chúng sẽ bảo vệ phòng chống nấm bệnh tấn công vào những vùng nhạy cảm.
Sau quá trình phân hủy, phân giải hữu cơ sẽ tạo thành phân Amino sinh học. Những hợp chất mà cây trồng dễ hấp thu.
Ngoài ra khi vi sinh vật hoạt động sẽ tạo độ phì nhiêu cho đất. Có lần tôi trồng lạc dại vào lúc trời mưa. Vì còn một ít nên ráng trồng luôn cho xong. Vô tình cuốc trúng hang trùn đất. Tôi thấy nước rút xuống hang mà như mình đào trúng mạch nước ngầm vậy. Một hố rút nước mini cục bộ không thể hoàn hảo hơn. Tất cả chỉ nhờ sử dụng phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng.
Nhiều người cũng sử dụng nhưng lại không hiệu quả. Là do bà con chưa hiểu được hết công dụng. Khi ủ phân cần đọc kỹ các dòng mình dùng để ủ có công dụng gì?
Có dòng ngừa tuyến trùng, có dòng ngừa rầy trắng, có dòng ngừa nấm, có dòng chỉ phân giải hữu cơ giải độc cho đất, lại có dòng phân giải lân chậm tan và cố định đạm cho đất…
Đa phần trong một gói Trichoderma sẽ có tích hợp nhiều dòng. Nhưng cũng có loại chuyên dùng cho một thứ gì đó. Vì thế cần lưu ý. Cứ định ninh rằng mình đã ngừa bệnh bằng sinh học rồi là chắc ăn. Nó chỉ hạn chế bệnh, giảm bệnh rất nhiều nhưng không phải hoàn toàn. Vì thế đừng vội trách oan là dùng không hiệu quả.
Chỉ cần bị một trong số các bệnh tôi liệt kê phần tôi mô tả bên trên, cây cũng có thể nhiễm bệnh.
Khi đã bùng phát bệnh ở mức đại trà, vì là đối kháng cho nên anh không bảo vệ được, thì tôi sẽ chiếm đóng. Lúc này các tác động hóa học rất cần thiết. (Ưu tiên gốc hữu cơ, thân thiện môi trường). Sau đó ta phải bổ sung lại nấm đối kháng, vi sinh vật có lợi, để tiếp tục bảo vệ cho cây trồng của mình.
Việc chẩn đoán đúng bệnh rất quan trọng. Các loại thuốc có rất nhiều trên thị trường. Loại nào cũng có công dụng riêng, ta dùng đúng thời điểm, đúng bệnh sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của thuốc. Về đề tài nhạy cảm này có lẽ bà con nên tìm hiểu thêm nhiều. Chỉ có một điều lưu ý là nên dùng đúng nồng độ chỉ dẫn của nhà sản xuất. Phối trộn thuốc nên thận trọng. Đây là con dao 2 lưỡi, người biết dùng thì không sao, nhưng đa phần bà con ta là nông dân thuần túy. Cho nên đó cũng là lý do diễn đàn luôn hướng bà con đi theo sinh học.
Dinh dưỡng và phân bón
Cây hồ tiêu rất cần cân đối dinh dưỡng
Khi ủ phân chuồng hoai mục, nhiệt độ trong đống phân sẽ tăng lên rất cao. Lúc này vi sinh vật có hại trong phân sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng ở nhiệt độ đó thì nấm có lợi, hay vi sinh vật có lợi cũng thất thoát không ít. Quá trình ủ hoàn tất phân chuồng, xác bã hữu cơ trở thành phân hữu cơ vi sinh. Ta bón cho cây muốn đạt hiệu quả cao cần phải bổ sung thêm nấm đối kháng lên phân vi sinh, ta bón cho cây lúc này tác dụng ngừa bệnh mới phát huy mức cao nhất.
Việc trồng lạc dại, hay cây họ đậu phủ xanh đất, ngoài mục đích là chống rửa trôi xói mòn đất, giữ ẩm cho đất, cố định đạm cho đất. Trong gốc bà con phải cắt tỉa cho thật thông thoáng. Lượng cỏ đó bà con có thể tận dụng chăn nuôi gia súc, cắt ủ phân xanh. Cách ủ cũng vô cùng đơn giản. Sẽ có nhiều người phủ nhận tác dụng của việc giữ cỏ, trồng lạc… Nhưng với những người biết sử dụng nguồn phân xanh này như tôi chẳng hạn. Thì đây là một nguyên liệu cực kỳ quý. Trong số đó có lục bình, bèo dâu, rong biển, các cây họ đậu…
Tại sao tiêu tơ hay tiêu con nếu chăm đạt rất ít bệnh tật nhưng vào giai đoạn tiêu kinh doanh nó nhiễm đủ thứ bệnh? Có bao giờ bà con tự hỏi câu hỏi như thế không? Câu trả lời chỉ đơn giản là do ta sợ nó nhiễm bệnh. Nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hay bón phân không đúng cách làm ảnh hưởng tới cây trồng. Cây bị nhiễm bệnh thường do ta chăm sóc bón phân vô cơ không đúng cách, làm tổn thương rễ. Lúc này nấm bệnh, hay sâu hại bắt đầu theo vết thương xâm nhập, tấn công làm cây mình chết dần chết mòn. Tới một lúc nào đó bùng phát mà ta không hề hay biết. Đặc biệt vào thời điểm mưa dầm. Lúc đó có chữa đủ thứ thuốc cũng là quá muộn.
Khi xử lý thuốc hay nấm bệnh, thuốc BVTV, phân bón vô cơ hằng năm lượng thuốc đó đa phần là gốc axit. Chắc chắn sẽ làm chua đất, đất pH quá thấp cây sẽ mất đề kháng. Cây vàng mà cứ ngỡ là tuyến trùng, rầy trắng, nấm chết chậm… đổ đủ thứ thuốc. Càng đổ càng chết. Vì thế thường xuyên đo độ pH bón phân cân đối là việc vô cùng cần thiết.
Với đạm vô cơ. Nếu dư cây sẽ đề kháng rất yếu. Làm cây hay bị một số bệnh như: Thán thư, nấm lá, cháy lá, phồng rộp đặc biệt nấm Phytopthora phát triển rất mạnh nếu cây dư đạm. Do đó chính là nguồn nuôi của nó. Thiếu đạm cây sẽ thiếu sắc tố mất diệp lục, cây không phát triển được cành nhánh không phát lá và chuỗi tiêu ngắn ngủn…
Dư lân cây sẽ phát tay dài ngoằng nhưng rất yếu ớt. Ngài ra cây sẽ váng lá do thiếu kẽm và một số vi lượng khác. Thiếu lân cây sẽ không hấp thu được đạm.
Dư Kali cây sẽ cùi đọt, cành tay giòn, lá bị nhăn nheo như bị tiêu điên vậy. Cây sẽ thiếu Mg và làm dư axit. Cây sẽ vàng lá nếu ta không kịp thời hạ phèn cho đất. Thiếu Kali cây mất đề kháng dể bị nấm bệnh tấn công…
Trung và vi lượng cũng rất quan trọng. Nó sẽ góp phần tạo đề kháng cho cây. Mỗi chất có một chức năng khác nhau. Để diễn tả về nó có lẽ một lời không nói hết. Bà con nên tìm hiểu thêm về nó. Đây chỉ là kiến thức phổ thông rất dể tìm.
Người ta vẫn thường đề cập tới việc bón phân cân đối. Nhưng đọc phần tôi viết nghe có mâu thuẫn lắm không? Làm thế nào để có thể bón đúng như cây đòi hỏi được? Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Là sự khác biệt giữa canh tác hữu cơ, vi sinh và vô cơ, hóa học. Với phân hữu cơ hay sinh học. Cây ăn không hết sẽ để dành khi nào cần ăn tiếp, do nó tác động chậm nhưng lâu dài. Còn phân hóa học thúc ép cây phải ăn ngay, còn có thể làm tổn thương rễ non nữa.
Mỗi lần bón phân là một lần ngừa bệnh. Như thế sẽ tốt hơn nhiều so với mỗi lần bón phân là một lần lo lắng. Tôi nói đơn giản thế chắc bà con biết phải làm thế nào đúng không?
Bà con tự sản xuất được phân sinh học từ trùn quế, hay cá. Ủ được phân xanh từ lạc dại ta tự trồng. Chỉ kết hợp vô cơ khi thực sự cần thiết, hoặc thay thế luôn bằng phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao. Thì vườn cây của mình sẽ rất đẹp. Khỏi phải bận tâm nhiều bệnh về phân bón, dinh dưỡng. Giảm chi phí đầu vào, lại tăng chất lượng nông sản. Để hàng Việt Nam luôn là hàng chất lượng cao, hướng tới thị trường khó tính hơn.
(hết phần 3)
Nguyen Minh Vinh
Source: giatieu.com
No comments:
Post a Comment