Cấy Hồ tiêu là cây cực kì khó tính nhưng nếu các bạn hiểu rõ nó thì cũng không có gì là ghê gớm. Nếu các bạn không siêng năng thì tôi khuyên các bạn nên trồng cà phê, cao su hay đại loại những cây trồng khác.
Nói về hồ tiêu là một chủ đề mênh mông mà bất cứ người trồng hồ tiêu nào cũng nhắc đến. Từ cách bón phân, tạo cành tỉa tán cho tới chăm sóc sâu bệnh. Cho nên nói như TS Nguyễn Hoàng thì chỉ mới giới thiệu sơ lược. Các bạn đã biết sử dụng internet để tìm hiểu về cây hồ tiêu thì ít nhiều cũng là người có học thức. Theo kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trồng tiêu lâu năm của tôi, xin chia sẻ việc thực hiện các bước cơ bản bón phân như sau: “Tốt nhất nên bón phân theo hướng phát triển bền vững hữu cơ vi sinh kết hợp hóa học theo thời điểm“.
Chọn giống cây tốt phù hợp với chất đất, sau đó bón lót cho tiêu con bằng phân chuồng hoai mục 10-15 kg trên gốc như TS Nguyễn Hoàng hướng dẫn trộn với Metharizum (lấy từ đất Chư Sê) ngừa rệp sáp hại rễ. Bạn biết đấy, rễ tiêu rất dễ bị tổn thương nếu vi sinh vật có hại tấn công lúc nhỏ thì cây sẽ không phát triển tốt. Nên bỏ phân hữu cơ vi sinh chia nhỏ ra làm nhiều đợt trong mùa mưa cây sẽ phát triển rất tốt. Lưu ý cây tiêu rất ít bệnh tật trong 3 năm đầu tiên trồng nếu xử lý đất tốt. Cuối mùa mưa bạn nên bón thêm một ít lân tăng khả năng chịu hạn cho hồ tiêu vào mùa khô (bón phân lân hữu cơ phân gà hoai). Trường hợp cây vàng lá do thiếu vi lượng như Mg, Bo… nên xịt ít phân bón lá vi lượng hoặc một loại hữu cơ vi sinh đậm đặc nào đó đạt tiêu chuẩn là cây hồi phục rất nhanh. (Có thể sử dụng cách này cho tiêu lớn bị tháo khớp và vàng lá).
Về phần bón thúc và tưới thúc, các bạn nên sử dụng theo phương pháp phát triển bền vững, cần chú ý: Rễ tiêu rất để tổn thương, các bạn không nên xới phạm rễ. Vì vậy, nên ngâm phân cho tan trước khi bón và bón cách gốc 50-60cm ngoài tán tiêu một chút. Thời điểm bón phân và xử lý thuốc tốt nhất là vào lúc sáng sớm và chiều mát (không bón quá 9h sáng và trước 3h chiều), cây tiêu khó tính chỗ này đây. Trường hợp không ngâm tưới mà chôn để cho ăn dần thì nên xới nhẹ ngoài tán gốc cây 60cm và sâu khoảng hơn 5cm, lấy đất ngoài xa lấp lại. Bón theo TS cũng được nhưng lưu ý thêm 2 kg phân gà hoai rải xung quanh tán tiêu. (xử lý tuyến trùng và sâu hại không đề cập trong bài viết này)
Bón phân khi tiêu chính thức cho thu hoạch, vấn đề này rất nhức nhối vì lúc nào tôi cũng nghe hỏi bón phân khi nào? lúc nào? thời diểm nào? và bón như thế nào?… hàng vạn câu hỏi như thế nào.
Trước tiên, tùy vùng hồ tiêu mà bón phân. Phải căn cứ từ thời điểm thu hoạch năm trước. Nếu nhà bạn phải có từ 2 đến giống tiêu trở lên thì dễ có kinh nghiệm hơn. Thông thường là khi tiêu Ấn Độ vừa chín bói thì tiêu Vinh Linh làm chắc hạt, bạn nên bỏ Kali và phân hữu cơ Amino đổ gốc để chắc hạt to trái. Lượng phân đợt cuối giúp cây có năng suất mà chống suy tiêu.
Sau khi thu hoạch, phải tạo cành tỉa tán không bón gì cả để hãm tiêu. Thời gian hãm tiêu từ 30-45 ngày tùy tiêu sung hay suy. Gần tới mùa mưa, nên rửa lá tiêu bằng thuốc gốc đồng + vôi ngăn ngừa nấm. Sau đó tưới nước 2- 3 lần cho ướt đẫm như mưa (lưu ý không bón phân). Cây chỉ ăn phân khi bắt đầu ra lá non, lá non ra là rễ đang nhú. Bón đợt đầu thật đậm, nên dùng hữu cơ (tôi hay dùng hữu cơ Humik), lần này rất quan trọng vì tiêu làm bông đồng loạt. Hồ tiêu có năng suất hay không thì quan trọng nhất là lần này, vì hồ tiêu mà bón phân không đúng cách sẽ ra 2 đợt hoa khiến cho việc thu hái hay chăm sóc sẽ rất khó. Sau khi thấy lá non lớm chớm xuất hiện là xịt thuốc trừ rầy, rệp chích hút nhựa và xử lý tuyến trùng gốc. Nên xịt một lần phân bón lá (Amino Datnong) bổ sung vi lượng hoặc bón phân hữu cơ đậm đặc (tôi hay dùng Hướng Dương Xanh). Và xịt theo thời điểm nào bạn cảm thấy cây thiếu vi lượng vàng lá.
Khi cây bắt đầu đâu đậu trái non, nên đổ gốc bằng phân hữu cơ vi sinh và xịt thuốc chống rụng trái non, thối trái. Để ý mùa này là mùa mưa sâu hại chích hút rất nhiều, lật mặt sau lá mà có rầy bám lá non thì bạn nên xịt thuốc tiêu diệt.
Khi tiêu bắt đầu làm hạt, bón một lần nữa là 3 lần, đều sử dụng hữu cơ sinh học chuyên dùng cho cây tiêu ( Humik,…..) và lần 4 làm chắc hạt là dùng NPK trong đó Kali cao, N và P ít thôi. Và lần to trái thì như tôi nói ở trên lúc tiêu Ấn Độ chín bói là 5 lần. +1 lần bổ sung hữu cơ phân gà hoai mục đã được xử lý. Các bạn nên chia ra làm nhiều lần mà bón, như ăn cơm mà các bạn nấu một lần một bao gạo thì ăn có nổi không, thì cây tiêu cũng vậy. Hàm lượng bao nhiêu ư ? tùy cây mà rải quanh tán, gốc to thì nhiều nhỏ thì ít. Bón phân hay xịt và bón gốc đều theo hướng dẫn trên bao bì phân. Chú ý đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, tránh tư tưởng của người Việt Nam mình là bón thừa ra cho chắc. Nên bón đúng bón đủ, đúng liều lượng và đúng thời điểm (theo 4 đúng).
Lưu ý: Các bạn không nên cho người khác cỏ dê vì sẽ làm bạc màu đất của bạn. Đốt và tháo gỡ những cây tiêu bị bệnh trong vườn sạch tới chiếc lá cuối cùng, trồng mới thay những cây xấu lèo tèo sau đó đôn tiêu kỹ càng. Xử lí đất tốt, ngừa bệnh hơn chữa bệnh, làm mương thoát thủy kỹ càng vì cây tiêu rất sợ úng, làm chồi tiêu lươn bò sạch sẽ cách gốc 40-50cm… Chúc các bạn thành công.
Trên đây là vài điều cơ bản, xin chia sẻ để các bạn trồng tiêu tham khảo. Bạn nào muốn trao đổi kinh nghiệm xử lý sâu bệnh hay vấn đề gì về tiêu thì email cho Vịnh.
Nguyễn Minh Vịnh (nguyenminhvinh@gmail.com)
No comments:
Post a Comment