Monday, September 15, 2014

Qui trình kỹ thuật trồng Hồ Tiêu


1. Yêu cầu đất đai 
    Đất trồng tiêu cần được bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
  • Dễ thoát nước, có độ dốc dưới 5%, không bị úng ngập.
  • Tầng canh tác dày trên 100cm, mạch nước ngầm sâu hơn 2m.
  • Đất giàu mùn, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, pHKCl từ 5 – 6.

2. Giống tiêu sử dụng và kỹ thuật nhân giống

2.1. Giống sử dụng: 

       Giống tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lộc Ninh, tiêu Ấn Độ.

2.2. Kỹ thuật nhân giống: 

Nhân giống bằng dây lươn và dây thân, hom giống cần đạt các tiêu chuẩn sau:


  • Hom tiêu dây lươn:  Hom dây lươn bánh tẻ có  3 – 4 đốt, cắt hết lá khi ươm. Dây lươn không sâu bệnh, lấy ở các vườn > 4 năm tuổi không có triệu chứng bệnh.
  • Hom tiêu dây thân: Hom thân bánh tẻ khỏe mạnh, có 4 – 6 đốt, các đốt có rễ bám tốt. Hom được cắt vào các ngày tạnh ráo, trên các vườn tiêu 12 – 18 tháng hoặc từ các vườn nhân giống tiêu. Dây thân tiêu được cắt ở vị trí 25 – 30cm cách mặt đất. Loại bỏ phần ngọn dây còn non. Cắt tỉa bớt các lá cành trên hom ở các đốt vùi vào đất, chỉ giữ lại 1 – 2 cành ở các đốt trên mặt đất với số lá hạn chế để giảm bớt sự bốc hơi nước.
  • Ươm trồng hom tiêu: Hom tiêu cắt xong ngâm trong dung dịch NAA 500 – 1000 mg/1lít nước  nhúng nhanh trong 5 giây kích thích tốt sự ra rễ. Sau đó ngâm toàn bộ hom trong dung dịch thuốc VibenC 50 BHN, pha với nồng độ 0,1% trong 30 phút để khử trùng. Sau khi xử lý xong đem ươm trồng như sau:
  • Trồng thẳng ra vườn : Sau khi xử lí đem trồng trực tiếp ra vườn tiêu, che chắn kỹ lưỡng cũng đảm bảo tỷ lệ sống rất cao.
  • Ươm trên líp cho đến khi ra rễ rồi đem trồng: đất lên líp phải tơi xốp, thoát nước tốt. Hom tiêu đặt xiên 45 0 cách nhau 5 – 7 cm, hàng cách hàng 10cm. Thường sau khi ươm 25 – 30 ngày hom tiêu bắt đầu ra rễ đã có thể đem trồng tốt. Ươm trên líp  không nên để quá lâu, hom tiêu mọc mầm, rễ ra dài khi nhổ đem đi trồng động rễ, ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây tiêu con.
  • Ươm trong bầu: đất cho vào bầu phải là lớp đất mặt tốt, không có nguồn nấm gây hại. Trộn kỹ đất với phân chuồng, phân lân và tro dừa để tạo độ tơi xốp cần thiết.


Bầu ươm hom thân có kích thước 15  – 17 x  27 – 30cm, bầu ươm hom lươn có kích thước 12 x 22cm. Hàng lỗ thoát nước dưới cùng cách đáy bầu 2cm để thoát nước tốt. Hom lươn ươm 2 hom/bầu, còn hom thân có chỉ ươm 1 hom/bầu. Cây được ươm từ     4 – 5 tháng trong vườn ươm, có ít nhất 1 chồi mọc 5 – 6 lá trở lên mới đem trồng.


3. Trồng mới

3.1. Thời vụ trồng: 

Thời vụ bắt đầu vào đầu mùa mưa, khi đã mưa đều và kết thúc trước mùa khô 2 – 2,5 tháng.

3.2. Mật độ khoảng cách:

  • Trụ gỗ, trụ đúc bê tông trồng với khoảng cách 2 x 2,5 m hoặc 2,5 x 2,5 m, mật độ từ 1300 – 1500 trụ/ha tuỳ theo giống tiêu có tán rộng hay hẹp.
  • Trụ gạch xây cao 3,5m có đường kính gốc trụ 70 – 100cm và đường kính đỉnh trụ 40 – 60cm: trồng với khoảng cách 3 x 3m, mật độ 1100 trụ/ha.
  • Trụ sống như lồng mức, vông, keo dậu, gòn….trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m, mật độ 1300 – 1500 trụ/ha.

3.3. Kỹ thuật trồng tiêu trên cây trụ chết:

  • Đối với trụ đúc hoặc trụ gạch xây, việc dựng trụ thực hiện trước khi trồng tiêu khoảng 1 – 1,5 tháng để được các trận mưa to rửa sạch bớt hồ, vữa. Nếu không thì phải tưới trụ.
  • Đào hố trồng tiêu:
    • Đối với trụ đúc và trụ gỗ trồng 2 hom hay 2 bầu tiêu/trụ, có thể đào 1 – 2 hố/trụ để trồng.
    • Đối với trụ gạch đào 6 – 7 hố chung quanh trụ, mép hố cách mép trụ 10 – 15cm. Hố được đào với kích thước 40x40x40cm để trồng 1 hom. Nếu trồng 2 hom/hố, kích thước hố đào là 40x80x40cm. Trộn đều đất mặt với 10 – 15kg phân chuồng, 0,2-0,5kg phân lân, 0,2 – 0,3kg vôi bột và lấp xuống hố. Xử lý đất trong hố trước khi trồng bằng thuốc nấm Mancozeb + Mataxyl và thuốc sâu Mocap. Việc trộn phân lấp hố và xử lý đất trong hố được thực hiện trước khi trồng tiêu trồng tiêu ít nhất là 15 ngày.
  • Làm giàn che nắng và chắn gió: Trước khi trồng tiêu, làm giàn che phía trên và xung quanh bằng  lưới ni lông đen sao cho 70 – 80% ánh sáng tự nhiên đi qua. Nếu không có điều kiện thì chỉ cần che tiêu bằng lá chuối hoặc lá dừa sẵn có.
  • Kỹ thuật trồng:
    • Nếu trồng bằng bầu, xé bầu tiêu nhẹ nhàng tránh vỡ bầu rồi móc hố trồng, đặt bầu vào giữa hố, đặt bầu hơi nghiêng, hướng chồi tiêu về phía trụ, mặt bầu ngang với mặt đất, không trồng âm. Lấp đất, dậm chặt đất chung quanh bầu.
    • Trồng bằng hom dùng hom thân 5 mắt đã ươm ra rễ, đặt hom xiên với đất mặt 450, đầu hom hướng về phía trụ, chôn 3 mắt vào đất, chừa trên mặt đất 2 mắt, dậm chặt đất quanh hom. Trồng tiêu xong phải dùng vật liệu phù hợp như lá dừa, líp cỏ che bổ sung cho hom tiêu mới trồng.
    • Sau 7 – 10 ngày trồng tiêu bằng bầu, 2 – 3 ngày trồng tiêu bằng hom thân nếu trời không mưa phải tưới nước cho dây tiêu.
    • Trồng dặm kịp thời những dây tiêu bị chết và chấm dứt trồng dặm trước khi dứt mưa 1,5 – 2 tháng.

3.4. Kỹ thuật trồng tiêu trên cây trụ sống

  • Cây trụ sống được trồng ngay vào đầu mùa mưa, làm cỏ bón phân thúc cẩn thận. Có thể trồng cây trụ sống 1 – 2 năm trước khi trồng tiêu.
  • Trồng cây trụ tạm: trồng tiêu cùng năm với cây trụ sống bắt buộc phải trồng trụ tạm. Sau khi trồng trụ sống 2 – 3 tháng thì trồng tiêu. Cây trụ tạm được trồng cách cây trụ sống 15 – 20cm. Trụ tạm có đường kính 10 – 15cm, chiều cao tính từ mặt đất 1,5-2m, chất lượng cây trụ tạm tương đối tốt để tiêu có thể leo bám trong vòng 2 năm trước khi cây trụ sống đủ lớn cho tiêu leo bám.
  • Làm dàn che nắng và chắn gió: do cây trụ sống còn nhỏ, chưa có tác dụng che bóng, cần làm dàn che nắng và chắn gió tương tự tiêu trồng với cây trụ chết.
  • Đào hố trồng tiêu: đào 1 hố hoặc 2 hố 2 bên cây trụ tạm, ở phía xa cây trụ sống, mép hố cách trụ tạm 10 – 15 cm, sao cho tâm hố là vị trí đặt bầu tiêu hay dây tiêu cách cây trụ sống từ 40 – 50cm. Các kỹ thuật về trộn phân lấp hố và trồng tiêu tương tự như tiêu trồng với cây trụ chết.

3.5. Trồng cây đai rừng, cây che bóng

Cây đai rừng: Tiêu trồng theo kiểu nông hộ, diện tích dưới 0,5 ha, chỉ cần trồng 1 hàng muồng đen ở đầu lô chắn hướng gió chính.

Cây che bóng :
  • Tiêu trồng với cây trụ chết như trụ gỗ, bê tông, trụ gạch cần được trồng cây che bóng lâu dài. Cây keo dậu được trồng với khoảng cách 6 x 12m, trồng sát vào vị trí trụ trong vườn tiêu để vừa là trụ cho tiêu leo vừa là cây che bóng.
  • Các vườn tiêu đã trồng trên trụ chết như trụ gỗ, trụ đúc, trụ gạch mà chưa có cây che bóng cần phải được trồng bổ sung cây keo dậu với mật độ 120 – 150 cây/ha.
  • Tiêu trồng với cây trụ sống đã có bóng mát. Chú ý rong tỉa hợp lý cây trụ sống và cây bóng mát.


4. Chăm sóc

4.1. Làm cỏ, buộc dây

Làm sạch cỏ trong gốc tiêu thường xuyên, nhổ cỏ gốc bằng tay, tránh làm tổn thương vùng cổ rễ. Thường xuyên buộc dây tiêu vào trụ.

4.2. Xén tỉa tạo hình cơ bản

Đối với tiêu trồng bằng dây thân:
Sau 1 năm trồng, cắt tạo hình cho tiêu bằng cách cắt ngang toàn bộ dây thân trên trụ, cách gốc tiêu 25 – 30 cm. Cắt tạo hình với mục đích vừa lấy hom nhân giống vừa tạo khung thân dây tiêu trên trụ. Cắt dây tiêu vào các ngày khô ráo, không cắt trong thời gian mưa dầm để hạn chế các loại bệnh hại tiêu. Từ chỗ cắt sẽ mọc lên các dây thân chính. Giữ lại các dây thân khoẻ mạnh phân bố đều chung quanh trụ làm bộ khung chính, vặt bỏ các mầm dây thân còn lại. Số lượng dây thân để làm bộ khung chính phụ thuộc vào kích thước trụ.

  • Trụ sống : 5 - 7 dây thân/trụ
  • Trụ gỗ hay trụ bê tông : 8 – 10 dây thân/trụ
  • Trụ xây gạch: 20 – 30 dây/trụ gạch.


Khi dây tiêu leo lên hết chiều cao trụ thì hãm ngọn và xén tỉa định kỳ.
Nếu không có nhu cầu lấy hom nhân giống thì khi các dây thân ở độ cao 80 – 100cm, có 5 – 6 cành quả/1 dây thân, bấm ngọn lần đầu để kích thích sự phát triển thêm dây thân. Bấm ngọn bằng cách cắt bỏ phần ngọn tiêu mang 1 – 2 cành quả. Sau khi bấm ngọn lần đầu nếu trên trụ tiêu vẫn chưa có đủ số dây thân cần thiết/trụ thì sau khi dây thân mới có từ 3 – 5 cành quả tiếp tục bấm ngọn lần thứ  hai.

Đối với tiêu trồng bằng dây lươn
Tiêu trồng bằng dây lươn phải áp dụng biện pháp đôn dây tiêu vào 12 – 14 tháng sau trồng.
  • Sau khi tiêu leo lên trụ được 1,4 – 1,5 m và các dây tiêu đã phát sinh được 2 – 3 cành quả ở ngọn thì đôn dây xuống. Chỉ đôn các dây tiêu có mang cành quả, cắt bỏ các dây không mang quả.
  • Đào rãnh sâu 15 – 20cm chung quanh trụ tiêu, cách gốc tiêu 20 – 25cm, khoanh phần dây thân đã cắt hết lá vào rãnh, chừa đoạn ngọn dây có mang lá và cành quả buộc áp vào trụ tiêu.
  • Sau đó lấp một lớp đất mỏng để giữ cho khoanh dây được đôn nằm cố định.
  • Sau khi rễ từ đốt của các khoanh dây được đôn nhú ra mới vun gốc bón phân cho tiêu.


4.4. Xén tỉa cho tiêu kinh doanh
  • Tỉa bỏ tất cả các dây thân, dây lươn, cành ác mọc phía dưới gốc tiêu. Cành lá bộ tán tiêu cách mặt đất 10 – 15cm.
  • Tỉa bỏ các dây thân mọc ngoài bộ tán tiêu, các dây thân mọc quá dài ở đỉnh trụ.
  • Tỉa bỏ các cành còi cọc, sâu bệnh.

5. Bón phân

  • Phân hữu cơ: bón hàng năm với liều lượng 30 – 40m3/ha. Nếu không có phân hữu cơ có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh bón cho vườn tiêu với liều lượng từ 2 – 3kg/trụ/năm
  • Vôi: bón vôi cho vườn tiêu với liều lượng 500kg/ha/năm. Vôi được bón bằng cách tung đều trên mặt đất, chiếu theo tán tiêu hoặc ủ chung với phân chuồng rồi đem bón cho tiêu.
  • Phân khoáng:


NămKg /ha/nămgr/trụ/năm
UrêSALân VĐKaliUrêSALân VĐKali
Trồng mới
Năm 2
Năm 3
Kinh doanh
150
350
550
750
50
150
250
300
1000
1000
1000
1000
70
170
500
700
75
180
270
370
25
75
120
150
500
500
500
500
35
80
250
350
Bảng 1: Định lượng tạm thời lượng phân bón khoáng cho hồ tiêu

  • Urê và Kali clorua: Năm trồng mới bón 3 – 4 lần, lần đầu sau khi trồng tiêu 1 tháng, sau đó 2 tháng bón 1 lần. Các năm tiếp theo Urê và Kali clorua được bón 5 lần, mùa khô bón 2 lần kết hợp với tưới nước, mùa mưa bón 3 lần: đầu, giữa và cuối mùa mưa. Phân SA bón vào đầu mùa mưa.
  • Phân lân: có thể dùng lân nung chảy hay Super lân. Lân nung chảy bón 1 lần vào đầu mùa mưa, Super lân thì chia làm 2 lần bón: lần 1 vào đầu mùa mưa, lần 2 vào giữa mùa mưa.

Nếu dùng phân NPK hỗn hợp thì dùng các loại và liều lượng sau:


Năm tuổiLoạiLiều lượng (kg/trụ)
Năm trồng mới16-16-8 hoặc 20-20-150,2 – 0,3
Năm thứ 216-16-8 hoặc 20-20-150,5 – 0,6
Năm thứ 316-16-8 hoặc 20-20-150,6 – 0,8
Các năm KD15-10-15 hoặc 16-8-161,3 -1,5
Bảng 2: Loại và liều lượng NPK hỗn hợp bón cho tiêu

  • Phân bón lá: sử dụng các loại phân bón lá bổ sung vi lượng như  Zn, Bo sẽ  làm giảm tỷ lệ rụng gié quả. Phân bón lá được phun 2 – 3 lần trong mùa mưa.


6. Tưới nước và thoát nước
  • Tiêu trồng mới và kiến thiết cơ bản: tưới suốt mùa khô cho đến khi có mưa theo chu kỳ trên. Trong năm trồng mới, nếu mùa mưa gặp hạn dài cũng phải tưới nước cho tiêu.
  • Tiêu kinh doanh: tưới vào mùa khô khi cây đang nuôi quả, sau khi thu hoạch xong ngừng tưới nước.

Loại vườnĐất Bazan
Lượng nước (lít/trụ)Chu kỳ (ngày)
Tiêu trồng mới30-407-10
Tiêu kiến thiết cơ bản60-8010-15
Tiêu kinh doanh100-12020-25


Mùa mưa, vườn tiêu phải được thoát nước tốt vào các rãnh, mương tiêu nước trong lô. Vun gốc tiêu, không cho nước đọng ở gốc.


  • Tủ gốc mùa khô: dùng rơm rạ hoặc các loại tàn dư thực vật khác như vỏ ngô, dây đậu, cỏ rác cây phân xanh, đậu đỗ …. Lượng rơm tủ từ 5 – 10 kg khô/trụ.

7. Phòng trừ sâu bệnh


  • Trồng cây che bóng cho vườn tiêu hoặc trồng tiêu trên trụ sống
  • Bồi dưỡng phân hữu cơ hàng năm.
  • Thoát nước tốt, không để vườn tiêu bị úng, đọng nước trong mùa mưa.
  • Hạn chế xới xáo trong vườn tiêu.
  • Vệ sinh đồng ruộng tốt.
  • Hạn chế sử dụng thuốc BVTV
  • Thường xuyên kiểm tra để phát hiện và phòng trừ  sâu bệnh kịp thời.
  • Ngoài các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh vừa nêu khi thấy có sâu bệnh thì  xử lý như sau
  • Các đối tượng sâu bệnh hại chính trên lá.

7.1. Bệnh vàng lá chết chậm (tuyến trùng Meloidogyne incognita, Pratylenchus sp phối hợp với các loại nấm như Fusarium solani,, Rhizoctonia solani)


  • Triệu chứng: cây vàng từ từ, sinh trưởng kém hoặc ngừng sinh trưởng, rễ tiêu có nốt sưng, nếu nặng thì thối đen và chết, hệ thống rễ giảm.


  • Xử lý: đào, đốt các cây bị bệnh nặng. Xử lý các cây vừa chớm bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh bằng một trong các loại thuốc sau: Vimoca 20 ND, Marshal 200 SC, Oncol 20 EC (0,3%, 2 lít dung dịch/trụ); Nokaph, Marshal 5 G, Oncol 5 G (30-50g/trụ). Nên kết hợp với một trong các loại thuốc trừ nấm sau:   Viben C 50 BTN,  Bendazol 50 WP (0,3%, 2 lít dung dịch/trụ). Tưới hoặc rải thuốc   2 – 3 lần, cách nhau 1 tháng.

7.2. Bệnh chết nhanh (nấm Phytophthora sp)


  • Triệu chứng: cây đang xanh tốt, lá úa vàng, héo rũ, chết khô cùng với dây trên cây. Phần thân ngầm tiếp giáp với mặt đất bị thối đen.
  • Xử lý: phòng trừ bằng cách phun dung dịch  Bordeaux 1% lên lá và tưới vào gốc (2 lít dung dịch/trụ), 3 – 4 lần trong mùa mưa, cách nhau 1 tháng. Đào, đốt kịp thời các cây bệnh nặng. Xử lý các cây chớm bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh bằng một trong các loại thuốc sau: Aliette  80WP, Ridomil MZ 72 BHN, Mataxyl 25 WP (0,3%, 3 – 5 lít dung dịch/trụ), phun lên lá và tưới vào đất 2 – 3 lần, cách nhau 1 tháng.

7.3. Rệp sáp hại rễ (Pseudococcus citri)

- Triệu chứng: cây chuyển vàng từ từ, sinh trưởng kém và bị nặng thì ngừng phát triển. Bới phần thân ngầm và rễ thì thấy rệp sáp trắng bám vào. Cây bị nặng rệp sáp tạo thành măng sông làm rễ tiêu xù xì, phồng to lên, bên trong lớp măng xông rất nhiều rệp sáp.
- Xử lý: đào, đốt các cây bị hại nặng. Tưới vào gốc các cây bị rệp nhẹ bằng một trong các loại thuốc Bi 58 40 EC, Ofatox 400 EC, Subatox 75 EC (0,3%, 2 lít dung dịch/trụ), tưới 2 lần cách nhau 1 tháng, nên kết hợp với 1% dầu lửa.


7.4. Bệnh xoăn lùn hay tiêu điên (do virus, lá xoăn, nhỏ, ngọn rụt lại)


  • Triệu chứng: cây bị bệnh có lá nhỏ, cong queo, mất diệp lục, thường xuất hiện ở các lá non. Cây cằn cỗi, chậm phát triển hoặc không phát triển, năng suất thấp.
  • Xử lý: để phòng bệnh này không lấy giống từ các vườn có cây bị bệnh virus. Khi cây đã bị bệnh thì không thể cứu chữa, cần nhổ và hủy bỏ cây bệnh để hạn chế sự lây lan. Phun thuốc trừ rầy, rệp như Bassa 50EC (0,1%) hay Vibasa 50ND (0,2%), Suprathion 40EC (0,2%), Supracide 40EC (0,2%), Subatox 75EC (0,2%) để diệt côn trùng môi giới.

Ngoài ra còn có một số các loại sâu bệnh khác ít nguy hiểm hơn là:


7.5. Các loại rầy, rệp hại lá, đọt non, bông tiêu:


  • Rệp muội, bọ xít lưới, rầy xanh: dùng một trong các loại thuốc sau: Bi 58 40 EC, Ofatox 400 EC, Subatox 75 EC (0,3%) phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày.
  • Rệp sáp hại lá, hại chùm quả: dùng một trong các loại thuốc sau: Suprathion 40 EC, Supracid 40 EC, Pirinex 20 EC, Subatox 75 EC (0,3%) phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày.

7.6. Các bệnh hại lá như bệnh thán thư, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, bệnh đốm rong trên lá: 

Dùng một trong các loại thuốc sau: Best Havest 15SC; Tilt 250 EC; Viben C 50 BTN (0,2%), phun 2-3 lần, cách  nhau 1 tháng.

8. Thu hoạch

Thu hoạch tiêu kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4 tùy vùng. 
Vùng Bắc Trung Bộ thu tháng 5 - 7; 
Nam Trung Bộ thu tháng 3 - 5; 
Tây Nguyên thu tháng 2 - 4;
và Đông Nam Bộ thu tháng 1 - 3 ;

Khi thu hoạch tiêu cần hạn chế tác động mạnh đến cành quả (giựt mạnh làm gãy cành, bong tróc rễ bám…) sẽ làm giảm năng suất cho vụ sau. Tiêu được chế biến thành hai dạng sản phẩm là tiêu đen và tiêu trắng (tiêu sọ). Nếu chế biến tiêu đen thì thu khi quả chín lác đác và các quả còn lại đã già chắc, còn nếu chế biến tiêu sọ thì thu hoạch khi tiêu chín hoàn toàn.

Theo kalix.com.vn
Read more ...